Header ads

» » » Nhận biết ly cốc, bát đĩa nhiễm độc

Dụng cụ ăn uống hàng ngày: Bát - Đũa - Tăm - Cốc


= Nhận biết ly cốc, bát đĩa nhiễm độc

GiadinhNet - Theo các chuyên gia hóa học, đồ sứ, thủy tinh càng đẹp long lanh hoặc trang trí hoa văn sặc sỡ thì nguy cơ có độc tố càng cao.
1/ Càng nhiều hoa văn, càng độc
Giải thích về vấn đề này, TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm cho biết, các thí nghiệm cho thấy đồ gốm sứ hoa văn càng sặc sỡ thì hàm lượng chì càng lớn.  
Bởi thuỷ tinh nung trên 1.000 độ C thường không có màu. Ly cốc tách đẹp rực rỡ là do nhà sản xuất cho thêm chì vào vừa tạo màu, vừa giảm nhiệt độ nung để tiết kiệm năng lượng. Chì còn được tráng bên ngoài để nhờ tính chất truyền sáng làm đồ thủy tinh đẹp long lanh. Nguy hiểm nhất là những sản phẩm có hình in sát mép cốc vì chì dễ xâm nhập vào cơ thể khi người sử dụng ăn, uống, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Nên dùng bát đĩa gốm sứ màu trắng trơn.Ảnh: T.Giang
Ngoài ra, đồ gốm sứ tráng men thủ công nếu nung ở nhiệt độ thấp cũng có thể gây nhiễm độc chì cho người dùng. Nguyên nhân là vì thông thường, gốm phải nung ở nhiệt độ từ 1.200 - 1.500 độ C. Nhưng nếu pha thêm chì chỉ cần nung ở 800 - 1.100 độ C đã được một lô thành phẩm, vừa tiết kiệm được năng lượng, vừa có sản phẩm hoa văn đẹp mắt.
Vì vậy, những sản phẩm nung thủ công càng rẻ tiền thì quy trình càng không chuẩn, thậm chí bị cắt giảm để tiết kiệm thời gian, chi phí nên đồ càng độc. Những sản phẩm độc hại này càng thôi nhiễm chì cao nếu đựng đồ ăn nóng, chua, nước hoa quả... bởi ở nhiệt độ cao, có axít, kiềm muối sẽ làm chì nhanh chóng giải phóng, thôi nhiễm vào thức ăn và gây độc cho cơ thể.
Cũng theo TS Nguyễn Duy Thịnh, nên cẩn trọng với những ly, cốc được thiết kế riêng độc đáo làm quà tặng hiện đang được nhiều người ưa chuộng bởi hoa văn được dán, vẽ lên men phải nung ở nhiệt độ thấp để giữ màu nên không loại bỏ được độc tố chì trong sứ.
2/ Thử độ độc với dấm và nước
TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, hàm lượng chì trong đồ thủy tinh lớn, gặp điều kiện thuận lợi có thể thôi ra, thâm nhập và tích lũy trong cơ thể, làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, máu, gây nhiễm độc nặng, thậm chí tử vong. Nếu tiếp xúc với môi trường axít, kiềm, hoặc nhiệt độ cao các nguyên tử bề mặt có xu hướng tách ra hòa lẫn vào thực phẩm, nước. Nhiệt càng cao, chì càng bị kích hoạt tách ra nhiều hơn.
Hàm lượng chì ở ly, cốc, bát đĩa có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hóa và qua da khi người cầm, nắm sản phẩm.
Để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo nên mua bát đĩa gốm sứ chất lượng cao, màu trắng, ít hoa văn, trơn nhưng không quá bóng loáng.
Hạn chế dùng bát đĩa tráng men màu trong lòng bát. Khi thấy bát đĩa sần sùi, bong tróc lớp men bóng, hoặc rạn thì nên mua bát mới (bởi men chì nhanh bị mài mòn, hàng chợ càng chóng bị bong tróc men, phai màu và hàm lượng chì thoát ra nhiều và ngấm hết vào thức ăn, rất nguy hiểm cho người dùng).
Không dùng bát đĩa gốm sứ để làm chín thức ăn trong lò vi sóng vì nhiệt độ trong lò làm chất độc trong gốm sứ dễ tan hơn. Không nên để dưa chua trong đồ gốm sứ, mà nên để trong lọ thủy tinh.
Với đồ thủy tinh, tránh những đồ long lanh, bắt mắt. Chỉ nên dùng sản phẩm thủy tinh không có lớp sơn bọc lòe loẹt ở ngoài (vì lớp tráng có thể nhiễm chì). Nên dùng hàng có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, ghi rõ hàm lượng chì (nếu có) trên bề mặt.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể kiểm tra độ nung và kim loại nặng độc của bát đĩa gốm sứ bằng cách: Ngâm bát vào dung dịch dấm ăn, nếu bát có dấu hiệu trắng ra hoặc dấm đổi màu thì không nên dùng. Hoặc đổ một ít nước vào chỗ không tráng men (có thể là đế bát), nếu hút nước nhanh tức là xương bát nung không đủ nhiệt. Nếu bát không hút nước là bát tốt.
Với đồ thủy tinh, sản phẩm chứa chì độc hại thường khi gõ vào nghe tiếng rất vang như đồ kim khí. Hàng thủy tinh nguyên chất không có tiếng kêu coong coong.
TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo không nên sử dụng cốc, ly thủy tinh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ly cốc, bao gói thực phẩm bằng nhựa nên chọn loại màu trắng chuyên dành cho thực phẩm.
Hà Dương
Nguồn: http://giadinh.net.vn

= Bát đĩa China yểm độc: ngấm dần rồi phát bệnh

1/ Chất lạ trong đĩa sứ Trung Quốc
Đầu tháng 4 năm 2013, thông tin bà Nguyễn Thị Thơ (xóm 4, Phú Đô, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) phát hiện hai gói lạ nhỏ dính vào giữa hai lớp đĩa trong một chiếc đĩa bị vỡ gây xôn xao dư luận. Đây là loại đĩa sứ in hình hoa hồng, mặt sau chiếc đĩa có chữ "Made in China".
Quan sát kỹ thì thấy chiếc đĩa này có những biểu hiện khác thường so với những chiếc đĩa sứ thông thường. Chỉ một lớp mỏng phía trên mặt đĩa và phần đáy đĩa được làm bằng sứ, còn lớp viền phía dưới đĩa được tráng bằng một lớp màu trắng đục hơn. Đặc biệt, lớp dưới ở phần đĩa bị vỡ được làm bằng hợp chất nhựa dẻo có màu vàng đục trông rất đáng ngờ.
Hai gói "lạ" được phát lộ khi đĩa vỡ có hình chữ nhật, kích thước khoảng 1,5 × 2,5 cm, màu trắng, được bọc bằng thiếc, có một phần được dính băng màu vàng. Những dòng chữ màu đen in mặt trên đã mờ dần.

2/ Bát đĩa nhựa Trung Quốc vô cùng độc
Không chỉ đĩa sứ mà bát đĩa nhựa xuất xứ từ Trung Quốc cũng rất độc hại.
Vào năm 2013, một nghiên cứu của các nhà khoa học Đài Loan, Trung Quốc, công bố, melamine được tìm thấy trong bát đĩa và có thể nhiễm vào cơ thể qua đường thức ăn. Theo đó, khi dùng thực phẩm nóng, chất melamine có trong đĩa đựng thức ăn có thể thâm nhập vào cơ thể và gây hại cho sức khỏe.
Đây là một loại hóa chất hữu cơ được dùng rộng rãi trong sản xuất đồ nhựa, đồ chơi trẻ em, đồ dùng gia đình. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, nhóm người chuyên ăn sáng bằng bát đĩa làm từ melamine có nồng độ nhiễm melamine cao gấp 8 lần đối với nhóm người dùng đồ sứ.

3/ Bát đĩa Trung Quốc màu mè dễ gây ung thư
Trên thị trường hiện nay, bát đĩa gốm ở nước ta có rất nhiều hàng Trung Quốc trôi nổi không rõ nguồn gốc. Đặc điểm chung của chúng là mẫu mã bắt mắt, nhiều bộ sản phẩm có hoa văn, họa tiết cầu kỳ trông rất ưa nhìn, giá thành có khi chỉ bằng 1/3 các loại sản phẩm có nguồn gốc, thương hiệu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, các loại bát đĩa không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường, đặc biệt loại sản phẩm Trung Quốc có hoa văn, họa tiết màu mè thường chứa chì và cadimi tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.
Do vậy, nên chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, với sản phẩm sứ, nên chọn loại có màu men trắng; không nên tham các sản phẩm Trung Quốc có màu sắc bắt mắt, hoa văn, họa tiết cầu kỳ.

4/ Cốc, đĩa giấy Trung Quốc nhiễm kim loại nặng
Tháng 10/2013, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết quả kiểm tra sản phẩm đĩa giấy, cốc giấy trên địa bàn TP. Hà Nội. Kết quả cho thấy 4/6 mẫu phát hiện có nhiễm chì (1/2 mẫu có nguồn gốc từ Trung Quốc, 3/4 mẫu sản xuất trong nước, hàm lượng từ 0,36-0,45 µg/l) và 3/6 mẫu có nhiễm Arsen. Song, mức độ thôi nhiễm đều trong giới hạn cho phép đối với các chỉ tiêu kim loại nặng đối với bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

5/ Cốc giấy của Trung Quốc rất độc
Những chiếc cốc giấy bày la liệt ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) với nhiều màu sắc nhưng đều theo tiêu chí: hàng trôi nổi, không nguồn gốc. Người bán luôn khẳng định là hàng sản xuất trong nước, nhưng khi xem dưới đáy của một số loại cốc thì thấy in chữ "made in China" rất mờ.
Theo các chuyên gia, ngay cả khi sử dụng cốc giấy đảm báo chất lượng thì người tiêu dùng vẫn dễ "trúng" độc.
Vấn đề liên quan đến sự bất lợi cho sức khoẻ không chỉ ở các cơ sở sản xuất mà còn ở chính người tiêu dùng. Cốc, đĩa sau khi dùng một lần trông vẫn còn rất mới nên không ít người cất đi để dùng thêm một vài lần sau, dẫn đến nguy cơ nhiễm hóa chất nguyên liệu của cốc đĩa giấy. Vì dùng đi dùng lại, bột giấy và các chất keo, nhựa, hóa chất thôi ra sẽ lẫn vào đồ ăn, đồ uống. Cốc giấy để lâu bị ẩm mốc cũng chính là ổ chứa vi trùng, vi khuẩn gây bệnh. Nhiều người tiêu dùng còn "vô tư" dùng cốc giấy chỉ dùng uống nước lạnh để đựng nước nóng, pha caffe, hoặc đựng nước canh nóng...

6/ Cốc thủy tinh Trung Quốc độc gấp nghìn lần cho phép
Năm 2011, thông tin cốc thủy tinh xuất xứ từ Trung Quốc nhiễm chì, gây nguy hiểm cho trẻ em khiến các bà mẹ hoang mang, lo sợ. Theo Cục Quản lý chất lượng sản phẩm - Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, loại cốc thủy tinh in hình ảnh và các nhân vật hoạt hình xuất xứ từ Trung Quốc có chứa hàm lượng chì cao gấp hàng nghìn lần mức độ cho phép, đặc biệt trong đó còn chứa các chất độc khác có thể làm giảm chỉ số thông minh của trẻ em.
Cốc thủy tinh Trung Quốc ở Việt Nam độc gấp nghìn lần cho phép
Nhiều mẫu cốc chứa hàm lượng chì vượt mức cho phép đến vài nghìn lần. Cụ thể, cốc thủy tinh Flower Beautiful vượt 2.083 lần, cốc Romantic Blue rose vượt 2.187 lần; cốc Beautiful the World Flower vượt 2.191 lần...
Song, bất chấp những cảnh báo của cơ quan chức năng, tại những chợ đầu mối lớn hay những cửa hàng bán đồ lưu niệm nhỏ, to trên địa bàn thành phố đều có bán các loại cốc thủy tinh, cốc sứ được in màu sặc sỡ với các nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh.
Nguồn https://vn.news.yahoo.com

= Giẻ rửa bát bẩn gấp 200.000 lần bệ xí

Nếu nghĩ bệ xí là chỗ nhiều vi khuẩn nhất trong nhà, thì bạn đã nhầm to. Số vi khuẩn trên mặt thớt cũng gấp 200 lần mức đó, còn trên giẻ lau bát thì kinh khủng hơn nhiều.
Tiến sĩ Chuck Gerba, giáo sư về vi sinh học tại Đại học Arizona (Mỹ), đã nghiên cứu mức độ truyền bệnh qua môi trường, liên quan đến các đồ gia dụng và đo số vi khuẩn có mặt ở đó. Ông đặc biệt tìm kiếm các vi khuẩn có nguồn gốc từ phân người như E.coli và staphylococcus aureus.
Nghiên cứu của ông tìm thấy trung bình bệ xí có 50 vi khuẩn trên mỗi inch vuông (một inch bằng 2,54cm).
"Bệ xí hóa ra là một trong những nơi sạch nhất nếu xét về vi sinh", ông nói. "Theo tiêu chuẩn vàng của chúng ta - không có nhiều đồ gia dụng sạch hơn bệ xí nếu tính trên số vi khuẩn".
Dường như, chúng ta cần lo lắng hơn đến nhiều đồ vật khác. Thông thường, trên mặt thớt có số vi khuẩn nhiều gấp 200 lần trên bệ xí. Còn ở nhà bếp, tình hình đáng lo ngại hơn, khi có rất nhiều vi khuẩn có nguồn gốc từ phân.
"Đây đáng lý phải là nơi an toàn hơn. Có thể, bạn nên chăm sóc cái thớt nhiều hơn một chút, giống như khi bạn làm với bệ xí vậy", ông nói.
Thứ bẩn nhất trong nhà bếp là giẻ lau bếp hay giẻ rửa bát. Có khoảng 10 triệu vi khuẩn trên mỗi inch vuông nếu miếng giẻ bằng mút, và khoảng một triệu con nếu là miếng giẻ vải. Nói cách khác, miếng mút rửa bát bẩn gấp 200.000 lần bệ xí, và miếng giẻ lau bát bẩn gấp 20.000 lần.
Mức độ bẩn này sai khác đôi chút qua các quốc gia. Chẳng hạn, giữ vệ sinh hàng đầu phải nói đến Australia và đặc biệt là Canada, trong khi các quốc gia đứng gần cuối bảng là Ấn Độ và Malaysia.
Ngoài gia đình, công sở cũng là nơi rất bẩn. "Nhiều người không nhận ra rằng họ đang dính vào thứ bẩn mỗi khi nhấc điện thoại, vì họ không bao giờ lau chúng. Trung bình, màn hình máy tính bẩn gấp 400 lần so với bệ xí".
Những chiếc xe đẩy ở siêu thị cũng cực bẩn. Và một nửa số túi đi chợ tái sử dụng có vi khuẩn phân ở đó.
Thuận An (theo BBC)

= Nên dùng loại đũa nào mới tốt nhất cho sức khỏe?

Loại đũa vệ sinh dùng một lần, đũa nhựa, đũa gỗ, đũa kim loại hay loại đũa sử dụng nguyên liệu tự nhiên là tốt nhất cho sức khỏe đây?
1. Đũa dùng một lần
Theo kinh nghiệm giám sát vệ sinh “Loại đũa dùng một lần sau khi khử độc thời hạn bảo quản dài nhất là trong vòng bốn tháng, nếu quá thời hạn bảo quản có khả năng sẽ sản sinh nấm mốc, trực khuẩn đại tràng".  
Thực ra có nhiều người không biết đũa dùng một lần có thời hạn sử dụng, ngoài ra nó còn ẩn chứa nhiều nguy hiểm vì hiện nay đa phần loại đũa này còn tồn nhiều chất vượt qua chỉ tiêu cho phép. Như vậy “đũa vệ sinh dùng một lần thật ra không hề vệ sinh tí nào.
2. Đũa nhựa?
Đũa nhựa có rất nhiều màu sắc, dễ khiến nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, vẻ ngoài bắt mắt nhưng chưa chắc đảm bảo không gây hại cho người sử dụng.
Đũa nhựa khi gặp nóng sẽ giải phóng ra thành phần hoá học có thể gây hại cho cơ thể người, thành phần đó từng giờ từng phút gây hại cho sức khoẻ, hơn nữa đũa nhựa rất mềm, dễ bị biến hình.
3. Đũa kim loại
Đũa kim loại bền, điều này không còn nghi ngờ gì, nhưng nó lại vô cùng tai hại, bởi vì tính dẫn nhiệt của nó mang lại.
Mọi người thường thích ăn thức ăn khi còn nóng, đũa kim loại khiến bạn nóng càng thêm nóng, do đó dễ dẫn đến viêm nhiệt miệng lưỡi.
Ngoài ra, đũa kim loại khi sử dụng cũng không dễ dàng, quá trơn, khi gắp cái đùi gà đưa đến miệng lại rơi mất.
4. Đũa gỗ
Rất nhiều loại đũa đều được làm từ gỗ, nhưng nhà sản xuất thường muốn chế tác cho sản phẩm thật bắt mắt, giống như nó sắp “xuất giá về nhà chồng” vậy.
Sau khi “hoá trang” lớp sơn trên bề mặt đũa sẽ tồn dư nhiều kim loại nặng và vật chất gây hại. Sử dụng lâu dài những chất này sẽ thâm nhập vào cơ thể, không biết sẽ gây hại nghiêm trọng thế nào cho cơ thể. Đương nhiên đũa gỗ tự nhiên không tiềm ẩn những nguy cơ trên.

5. Đũa tự nhiên
Từ góc độ sức khoẻ mà nói chọn lựa loại đũa có nguồn gốc tự nhiên là tốt nhất. Đũa càng đẹp càng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, do đó khi chọn đũa nên chọn loại đũa mộc mạc được làm từ tre trúc tự nhiên bạn nhé.
Tuy nhiên đũa tre trúc khó rửa sạch, dễ bị nấm mốc, cho nên sau bữa ăn nên chú ý rửa thật sạch sẽ, rửa xong nên lau khô bằng vải sạch, để vào ống đựng đũa thoáng khí, bảo quản khô ráo, đừng quên định kỳ tiêu độc đũa nữa nhé.
Trung Linh (Theo Food)

= Sử dụng đũa không đúng cách có thể dẫn tới ung thư

[Afamily, 6/8/2013]- Hầu hết mọi người đều cho rằng, đũa không hỏng thì không cần phải thay. Nhưng thực tế, không nên sử dụng đũa quá nửa năm, nếu không sẽ dẫn tới các vấn đề sức khỏe.
Không ít người đều biết, các vật dụng như bàn chải, khăn mặt đều phải thay định kỳ, nhưng lại không hề nhận ra rằng lâu lắm rồi nhà mình chưa thay đũa ăn, việc sử dụng đũa trong vài năm là chuyện thường thấy. Nhưng dùng đũa thế nào mới là an toàn?
1/ Đũa dùng quá lâu sẽ dẫn tới ung thư gan
Nếu dùng đũa quá thời gian cho phép có thể sinh sản ra nhiều loại nấm mốc, nhẹ thì gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, ói mửa. Nặng thì bị ung thư do trong đũa mốc có sinh sản ra “aflatoxin”, chất này đã được xác nhận có thể gây ung thư gan.
Dùng đũa quá lâu khiến lượng nước trong đũa quá cao. Bởi vì đo đũa được tái sử dụng nhiều lần, rửa nước nhiều lần, rất dễ trở thành nơi cho vi khuẩn sinh trưởng và phát triển như vi khuẩn tụ cầu vàng, E.coli… Cất đũa trong tủ bếp quá lâu có thể khiến nguy cơ biến chất đũa tăng gấp 5 lần.

2/ Tuổi thọ của đũa là 3 – 6 tháng, nếu đũa đổi màu phải thay ngay
Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, đũa thông thường được sử dụng trong khoảng 3 – 6 tháng, màu đũa có thể chuyển sang đậm hoặc nhạt theo thời gian và tần suất sử dụng. Ngoài ra, do số lần sử dụng nhiều mà lớp sơn an toàn trên bề mặt đũa bị bong tróc. Chỉ cần đũa bị thay đổi so với lúc mua, đặc biệt là màu sắc thì phải thay ngay lập tức.
Màu sắc của đũa thay đổi cho thấy vật liệu làm ra đôi đũa chắc chắn bị thay đổi. Nhân tố gây đổi màu thường là do được sử dụng trong quá trình nấu, nước rửa chén bát và không khí, bụi bẩn tích tụ trong chạn bát gây ra. Vi khuẩn tích tụ trong thời gian dài cũng là nhân tố chính làm đổi màu đôi đũa.

3/ Nhận biết đũa đã hết hạn sử dụng
Khi mọi người sử dụng đũa, mỗi ngày đều phải quan sát bề mặt đũa có các vết mốc hay không. Đũa tre và đũa gỗ là môi trường sống ưa thích của nấm mốc, hơn nữa chỉ cần môi trường ướt, độ ẩm đạt mức độ nhất định và chỉ cần một thời gian là có thể sinh sôi.
Nếu trên đũa tre hoặc đũa gỗ có xuất hiện các chấm đen, chứng tỏ đũa đã bị nhiễm khuẩn, không còn dùng được nữa; Đũa ẩm là do thấm nước quá lâu, đã quá thời gian sử dụng. Hãy ngửi thử, nếu có vị chua rõ rệt, chứng tỏ đũa bị nhiễm bẩn, hãy bỏ ngay lập tức.

4/ Sấy khô đua để tránh mốc
Đa số mọi người đều dùng đũa tre hoặc gỗ, một số ít dùng đũa inox. Nhưng việc sử dụng hai tre hay gỗ khá đặc biệt, mọi người thường quen sau khi rửa sạch đũa liền cho vào ống đũa hoặc chạn bát.
Đũa không được hong khô hoàn toàn, độ ẩm cao dễ sinh ra nấm mốc, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Phải bảo đảm đũa được cất ở nơi khô ráo, thoáng mát, không có lợi cho nấm mốc sinh trưởng.
Hàng tuần nên luộc đũa trong nước sôi khoảng nửa giờ, phơi khô rồi mới sử dụng, như vậy mới có thể sạch khuẩn, loại bỏ vi khuẩn trong đũa một cách hiệu quả.

5/ Đũa mới mua phải được rửa sạch trước khi dùng
Trong quá trình sản xuất và vận chuyển, đũa dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn hay một chất hóa học nào đó. Đũa mới mua trước tiên phải rửa sạch bằng nước, luộc trong nước nóng trong nửa giờ, phơi khô rồi mới đem ra sử dụng.

6/ Không chà xát quá mạnh khi rửa đũa
Có khá nhiều người khi rửa đũa thường rất “mạnh tay” chẳng hạn như nắm chặt đũa rồi chà xát, rồi xả dưới vòi nước. Trên thực tế làm như vậy rất dễ khiến đũa đặc biệt là lớp sơn bảo vệ an toàn bị mất đi, sinh ra nhiều rãnh nhỏ, các vết nứt, khiến vi sinh vật lưu trú ở đó.
Ống đũa phải không bị đọng nước và thường xuyên được rửa sạch, khử trùng. Không chọn các chất tẩy rửa có độ axit và kiểm mạnh để tránh lưu lại hóa chất gây hại cho cơ thể.

7/ Ẩn họa từ đũa màu sắc
Theo các chuyên gia hoá học, người sử dụng những đôi đũa màu sắc rất dễ nhiễm độc do lớp sơn trên đũa bị phân huỷ cùng với thức ăn. Bởi vì lớp sơn màu sắc trên những đôi đua dễ bị phôi ra trong một điều kiện nhất định hay nhiệt độ nào đó, nhất là được dùng trong thực phẩm. Những loại hóa chất tạo màu hay tạo độ bóng có hại cho sức khỏe cơ thể, đặc biệt là đối với dạ dày.

= Đũa tẩm hoá chất: dùng một lần, hại cả đời

Để chống nấm mốc và làm đũa trắng, cơ sở sản xuất sử dụng nhiều cách như sấy khô, dùng hoá chất.
Sấy khô ít được sử dụng vì giá thành cao, mất nhiều thời gian nên dùng hoá chất là cách phổ biến hơn. Thêm một nỗi lo cho người dân đang ngập chìm giữa bao thực phẩm độc hại: kết quả kiểm tra trong tháng 7 này của chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM với mẫu đũa tre loại dùng một lần đã phát hiện hoá chất sodium sunfite có hàm lượng 87,4 – 183,2ppm, và sulfure dioxide với hàm lượng 44,4 – 93ppm.
Kết quả trên đã làm nỗi lo về thông tin cách nay vài tháng quay lại: đũa dùng một lần sản xuất từ Trung Quốc sử dụng các chất gây ung thư.
Trong vai một dân buôn ở miền Tây Nam bộ lên TP.HCM mua sỉ đũa dùng một lần về bán lẻ cho các quán ăn bình dân, chúng tôi tìm đến chợ Bà Chiểu và chợ Tân Định. Một tiểu thương trong chợ Bà Chiểu cho biết đũa dùng một lần hiện bán chạy là hàng nhập vì rẻ, kiểu dáng đa dạng, kích thước đều, mẫu mã bắt mắt, để lâu không bị mốc meo như hàng trong nước…
Vừa nói, tiểu thương này vừa lấy trên kệ hàng xuống một số đũa đã đóng gói sẵn, trên bao bì in tiếng Trung Quốc. “Loại này em nhìn đẹp không? Chỉ có 18.000 đồng một gói 50 đôi, mấy tiệm ăn họ chuộng dữ lắm”, chị tiểu thương đon đả. Khi chúng tôi nói đũa của Trung Quốc vừa bị phát hiện tẩm hoá chất độc hại thì chị gạt ngang: “Hàng Trung Quốc cũng có năm bảy loại. Hàng chị lấy toàn của chỗ uy tín. Chị bán ở đây cả chục năm trời, có chết ai đâu”.
Tại chợ Tân Định, đũa dùng một lần đóng sẵn từ 5 – 10 kg/gói, bán với giá 30.000 – 60.000 đồng/gói. Trên bao bì không có thông tin địa chỉ nơi sản xuất, hạn sử dụng… Theo lời nhân viên bán hàng, đũa dùng một lần hiện được các quán ăn, nhà hàng, đám cưới… chọn mua cho thực khách dùng vì vừa rẻ, vừa tiện, khỏi tốn công rửa. Mỗi ngày tiệm bán được từ vài trăm tới hàng ngàn đôi. Gần đây, một số chị em còn mua về xài trong nhà.
Bà Trần Thị Thu Giang, chủ một quán cơm bình dân trên đường Nguyễn Đình Chiểu cho hay trước đây bà sử dụng loại đũa gỗ, song nhiều thực khách đề nghị sử dụng đũa dùng một lần để đảm bảo vệ sinh. Mỗi ngày tiệm bà tiêu thụ hơn 200 đôi đũa dùng một lần, do một cơ sở sản xuất ở Bình Dương cung cấp. “Từ ngày bán cơm tôi toàn sử dụng loại đũa này, tiện lợi vì không phải rửa, khách dùng xong là bỏ. Còn về mặt an toàn thì tôi chịu, có được biết gì đâu”, bà Giang nói.
Ngửi rồi hãy gắp
PGS.TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (bộ Y tế) cho biết, các chất như: sodium sunfite, sulfure dioxide… về nguyên tắc không được sử dụng trong chế biến thực phẩm và những sản phẩm tiếp xúc với con người qua đường miệng, bởi “tuy hoá chất tồn dư trên đũa dùng một lần có thể không nhiều để xảy ra ngộ độc cấp tính, nhưng nó sẽ dẫn đến tổn thương mạn tính”.
Cũng theo PGS Đáng, hoá chất có gốc lưu huỳnh như sulfure dioxide có thể gây rối loạn tại chỗ đường tiêu hoá, rối loạn vi khuẩn đường ruột, gây loét niêm mạc đường tiêu hoá... Nếu sử dụng thường xuyên, độc chất có thể ngấm vào máu và tích luỹ, dẫn tới rối loạn chức năng gan, thận, cơ quan tạo máu... là một trong những nguyên nhân gây bệnh mạn tính và ung thư.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ sinh học – công nghệ thực phẩm, đũa dùng một lần thường được làm từ loại tre có chất lượng không tốt (tre non, tre tồn dư…), khả năng chịu ẩm mốc rất kém. Để chống nấm mốc và làm đũa trắng, cơ sở sản xuất sử dụng nhiều cách như sấy khô, dùng hoá chất. Sấy khô ít được sử dụng vì giá thành cao lại mất nhiều thời gian nên dùng hoá chất là cách phổ biến hơn.
Trong đó, lưu huỳnh là chất dễ sử dụng bởi giá rẻ, dễ mua, cách làm đơn giản... Đũa dùng một lần khi khử bằng lưu huỳnh sẽ giải phóng sulfure dioxide. Để đũa có mùi thơm át mùi hoá chất, người ta bỏ thêm vào đũa ngũ vị hương tạo mùi.
Ông Thịnh lưu ý: “Sản phẩm càng trắng thì càng độc bởi liều lượng hoá chất tẩy lớn. Nếu có cơ sở sản xuất nào đó sử dụng cả chất tẩy trắng, tẩy nấm mốc của bên công nghiệp để dùng trong lĩnh vực thực phẩm như sodium sunfite thì sẽ nguy hiểm vô cùng vì đây là chất khử rất mạnh”. Vì đũa dùng một lần sử dụng trực tiếp, không qua bất kỳ khâu rửa, hấp, tẩy nào nên nguy cơ hấp thụ hoá chất tồn dư trên đũa là rất cao.
“Nhận diện đũa dùng một lần sấy lưu huỳnh rất dễ: bóc lớp nylông bên ngoài đũa đi sẽ ngửi thấy mùi hăng hắc rất khó chịu. Nếu có nhu cầu đũa dùng một lần, nên chọn loại đũa màu trắng ngà, không đốm đen, bao bì bảo quản không rách thủng và nên mua một tuần trước khi dùng, ở những địa chỉ đã được giám sát về chất lượng”,PGS Thịnh khuyên.
Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị

= Độc vào theo đũa

SGTT.VN - Vào giữa năm 2013, các cơ quan chức năng đã phát hiện loại đũa tre xài một lần có chứa hàm lượng hoá chất gây ung thư. Nhưng các loại đũa nhựa, đũa gỗ đang được bày bán và sử dụng cũng có nhiều nguy cơ.
Ghé một số quán ăn lề đường, chúng tôi xin vài đôi đũa đang sử dụng tại các nơi này và mang đến đại học Công nghệ và thực phẩm TP.HCM nhờ xét nghiệm. ThS Đào Thanh Khê, giảng viên khoa Công nghệ hoá học của trường cho biết, đũa nhựa thường được làm từ nhựa melamine và nhựa ABS. Sau khi dùng lửa đốt các đôi đũa nhưng không cháy, cộng với các thông tin sản phẩm, có thể kết luận các đôi đũa này được làm từ nhựa melamine.
Theo ThS Khê, phản ứng giữa melamine và formaldehyde cho ra nhựa MF, một loại nhựa nhiệt rắn, không cháy, để lâu trong không khí màu sắc biến đổi nhẹ, phân huỷ ở 345oC. Đây là loại nhựa có tính năng chịu nhiệt, cứng, độ bền cao, có thể dùng làm sàn gỗ, mica, đũa, vật liệu nhà bếp… nhưng sẽ bị phân huỷ dưới nhiệt độ của ngọn lửa nhà bếp (có thể trên 1.000 độ C).
Còn đũa nhựa ABS hiện chỉ thấy bán trên mạng. ThS Khê cho biết ABS là tên viết tắt của nhựa poly (Acrylonitrile Butadiene Styrene), thường được dùng làm các sản phẩm kỹ thuật như vỏ tivi, máy tính, nón bảo hiểm… và vật dụng nhà bếp. ABS mang đặc tính của ba loại nhựa khác nhau là acrylonitrile, butadiene, styren. Ở nhiệt độ thường ABS có độ cứng cao, nóng chảy ở 99,8 độ C, hoá dẻo ở 228 độ C, dễ cháy. Dù nhựa ABS ít tan trong dầu, rượu, nước… nhưng không nên sử dụng đũa làm từ nhựa này để chiên xào, nấu nướng, khuấy trộn trong các dung môi như cồn, rượu, giấm…
TS.BS Nguyễn Thanh Danh, khoa dinh dưỡng lâm sàng, trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, các loại đũa gỗ có chất lượng kém, không trơn láng sẽ dễ bị bám thức ăn, nếu rửa không sạch sẽ khiến vi trùng, nấm mốc phát triển, gây ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện ở đường tiêu hoá như đau bụng, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, nếu ngộ độc nặng có thể tử vong do truỵ tim mạch. Nguyên nhân gây độc thực phẩm cấp tính thường do các loại vi khuẩn như campylobacter jejuni, salmonella, escherichia coli, staphylococcus, clostridium botulinum. Còn gây nhiễm độc mãn tính là một số nấm mốc độc nhiễm vào thực phẩm như nấm aspergilus flavus, aspergilus pataciticus thường có trong đậu phộng, bắp, khô dừa, khô đỗ tương bị ẩm mốc, có thể sinh độc tố aflatoxin rất độc hại, là nguyên nhân gây ung thư gan. Aflatoxin không bị phân huỷ ở nhiệt độ sôi thông thường (100 độ C) mà chỉ bị phân huỷ trên 120 độ C. Nấm mốc dễ phát triển (sau vài ngày) trên các loại đũa sử dụng cho các thức ăn thuộc họ đậu, ngũ cốc đặc biệt là đậu phộng.
Theo hướng dẫn của TS Danh, chúng tôi cho đũa gỗ vào hỗn hợp đậu phộng và dầu ăn rồi rửa sơ bằng nước máy, sau đó để ở nhiệt độ thường. Sau bốn ngày, trên các đôi đũa xuất hiện một số đốm mốc màu trắng nhỏ li ti. TS Danh giải thích: “Đũa không được rửa sạch bằng xà bông và lau khô dễ bị vi khuẩn, vi nấm độc trong môi trường bám vào đồ ăn còn sót trên đũa và có nguy cơ lây vào thức ăn khi dùng đũa sau đó. Ngoài ra đũa còn có nguy cơ nhiễm hoá chất từ nước rửa chén”.
ThS Khê cho biết, dùng đũa nhựa để chiên xào trong môi trường nóng sẽ khiến đũa bị biến dạng và sinh ra các chất bột nhựa có hại cho sức khoẻ. Nhựa melamine khi nuốt hoặc hít vào phổi hoặc bị hấp thụ qua da lâu ngày có thể gây ung thư hoặc vô sinh. Liều gây chết thông thường là 3g cho mỗi ký trọng lượng cơ thể. Các nhà khoa học của cơ quan Kiểm soát thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) giải thích melamine và axit cyanuric hấp thụ vào máu, tập trung và tương tác trong nước tiểu trong bể thận và kết tinh thành các tinh thể hình tròn màu vàng, gây tổn thương thận, tạo sỏi thận. “Chưa thấy thông tin về độc tính của ABS, nhưng theo lý thuyết thì nếu quá trình trùng hợp có styren trong phân tử nhựa ABS xảy ra không hoàn toàn thì một lượng nhỏ mono – styren không được liên kết sẽ chiết xuất ra khỏi nhựa ABS nếu gặp điều kiện thuận lợi (nhiệt độ cao, dung môi thích hợp). Mono – styren là chất gây ung thư đối với con người, động vật và gây ngộ độc cấp tính nếu nhiễm độc liều cao”, ThS Khê cho biết thêm. Ông còn khuyến cáo: đũa melamine lúc mới mua về có độ bóng láng cao, dễ rửa sạch thức ăn bám trên bề mặt, nhưng sau thời gian sử dụng, đũa sẽ biến dạng, sần sùi, bong tróc, nếu không thay thì một lượng nhựa từ đũa sẽ vào cơ thể theo đường thức ăn.
Còn lời khuyên của TS Danh là sau khi rửa đũa bằng xà bông, nên rửa lại qua ba lần nước sạch, hoặc tốt nhất là trụng đũa qua nước sôi, lau khô, để nơi khô ráo, sạch sẽ, tránh chuột, bọ và côn trùng bám vào lây nhiễm mầm bệnh. Khi phát hiện thấy đũa có khe hở, bị mòn, cháy, biến dạng, hư mục hoặc xài quá lâu thì phải thay thế.
Tóm lại, để tránh nguy cơ nhiễm độc, nên hạn chế dùng đũa làm từ các hoá chất vì khó kiểm soát sự an toàn trong quá trình sử dụng. Tốt nhất nên chọn đũa gỗ tự nhiên như gỗ tre già, dừa già hay gỗ mun được vót trơn láng, đầu đũa không bị tưa, không có khe lõm. Sau khi dùng, rửa đũa sạch và cất nơi khô ráo. Dù đũa chưa có biểu hiện bất thường cũng chỉ nên sử dụng trong 6 – 12 tháng rồi thay mới.

= Kinh hoàng công nghệ tẩy trắng tăm xỉa răng

Nhìn những chiếc tăm nhỏ nhắn, quen thuộc với mỗi người sau những bữa ăn, ít ai biết rằng, phía sau đó là công đoạn sản xuất đáng giật mình, đặc biệt là công đoạn tẩy trắng tăm bằng đủ các loại hóa chất, đến người làm cũng phải đeo găng tay, khẩu trang mới dám “xông” vào.

Có dịp đến thăm các xưởng làm tăm tại xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa – Hà Nội), điều dễ khiến du khách nhận ra là công nghệ sản xuất mặt hàng tăm tre ở đây đã khác xưa rất nhiều. Từ một xã chuyên sản xuất tăm bằng lao động thủ công cách đây vài năm thì nay, việc sản xuất gần như phụ thuộc vào máy móc. Tuy nhiên, có một công đoạn mà không máy móc nào có thể thay thế được và cũng là công đoạn khiến nhiều người dùng tăm lo sợ nhất từ trước tới nay chính là khâu tẩy trắng tăm.

*Xung quanh các bể ngâm tăm là ngổn ngang các can nhựa đựng hóa chất.
Nhiều hộ làm tăm ở Quảng Phú Cầu vẫn đinh ninh, việc dùng các loại hóa chất để tẩy trắng tăm là đương nhiên nếu muốn ra thành phẩm bắt mắt. Hơn nữa, việc này lại không tốn điện, không… độc hại.
Ông T, chủ một xưởng sản xuất tăm tại xã Quảng Phú Cầu cho biết: Cả xã này trước đây rất nhiều người sử dụng các hóa chất để tẩy trắng tăm nhưng giờ chỉ còn một số hộ gia đình vẫn giữ công thức cũ, trong đó có xưởng nhà ông. Theo ông T, việc tẩy trắng và chống mốc cho tăm bằng hóa chất… không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Để minh chứng, ông dẫn chúng tôi vào khu vực ngâm, ủ tăm để “mục kích”. Tuy nhiên, đến nơi, khái niệm “không độc hại” của ông T dường như không “ăn nhập” gì với những hình ảnh chúng tôi chứng kiến.
* Khu vực dành cho việc tẩy trắng tăm rất đơn giản nhưng kín đáo.
Trong các bể ngâm tăm được xây bằng bê tông dày là thứ nước màu vàng đục đang sủi bọt. Các nhân viên phải bịt kín khẩu trang, đeo gang tay rất cẩn thận trong khi đảo các bó tăm. Xung quanh bể là ngổn ngang các can đựng hóa chất.
Mùi hôi từ các hóa chất trong bể xộc lên khiến chúng tôi cảm thấy xốn xang, tức ngực. Khi chúng tôi muốn nhấc đầu một bó tăm lên để xem tác dụng của chất tẩy trắng, một nhân viên cảnh báo: không đeo gang tay thì đừng sờ vào, kẻo bỏng rộp tay.
Lúc này, ông T mới cho biết: các hóa chất này ông vẫn nhập tại các kho ở phường Đức Giang (Long Biên - Hà Nội). Do quen biết nên mỗi khi mua, chỉ cần bảo lấy chất để ngâm tẩy tăm là họ xuất hàng. Cứ thế mang về, sử dụng theo công thức cố định mà không cần biết đó là… chất gì. “Nông dân như chúng tôi thì không cần phải biết các thành phần của nó đâu”, ông T nói.
*Tăm được ngâm trong hóa chất để tẩy trắng và chống mốc.
Tuy nhiên, theo anh B.Đ – chủ một xưởng sản xuất tăm hương lâu năm trong xã, thì các chất tẩy trắng phần lớn là NAHSO3, H2O2 (oxi đậm đặc). Theo đó, những bó tăm sau khi được tiện tròn ở xưởng sẽ được tẩy trắng và chống mốc rồi cho vào bể ủ khoảng 4 giờ, sau đó tiếp tục cho vào dung dịch xút ngâm thêm 2-3 giờ nữa trước khi vớt ra, phơi khô rồi đóng bó. Nhiều gia đình chỉ gia công đến giai đoạn này là xuất hàng. Nhưng nếu khách có nhu cầu, các xưởng ở đây sẽ tiếp tục thao tác cho ra tăm thành phẩm ở công đoạn cắt, làm trơn bóng tăm và ủ hương liệu quế.
Khi được hỏi các hóa chất đó có gây độc hại cho sức khỏe không, anh B.Đ thừa nhận: "Dung dịch này nếu bắn vào da sẽ làm rát và phồng đỏ, đặc biệt là xút. Mùi của xút cũng khiến người làm choáng váng mỗi khi mang tăm đi phơi dưới trời nắng gắt". Nhưng chốt lại, anh BĐ khẳng định: “Tăm không ngâm hóa chất thì không thể trắng được và rất mau mốc”.
* Sau khi tẩy trắng bằng nước hóa chất, tăm được đưa vào bể khô để ủ trong vòng 10h đồng hồ. Sau đó, theo yêu cầu của khách, tăm sẽ được tiện tròn, và ủ hương quế.
Theo ông Lê Văn Dịu - Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu: Hiện nay, trong xã chưa có hộ nào đăng ký kinh doanh về việc sản xuất tăm tre nên việc quản lý sản xuất của chính quyền địa phương tới các hộ dân vẫn khó khăn. Việc cấp bách bây giờ là vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ việc các hộ gia đình dùng hóa chất tẩy tăm thải thẳng ra môi trường chứ không phải là dùng các hóa chất trong việc tẩy trắng tăm nữa”.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Giáo Dục Việt Nam, ông Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ thực phẩm, đại học Bách Khoa Hà Nội - cho biết: Bất cứ một loại hóa chất nào khi dùng để tẩy trắng tăm đều có thể gây độc hại, và mức độ độc hại tùy theo nồng độ của các hóa chất. Hiện nay, một số hóa chất như Na2SO3, K2SO3, H2O2 được cho phép sử dụng trong việc tẩy trắng thực phẩm, nhưng theo tôi, dù ở góc độ nào thì cũng không nên sử dụng vì các loại hóa chất này khó bảo quản, trong quá trình vận chuyển có thể “biến chất” thành các hóa chất khác. Mặt khác, khi ngâm hóa chất để tẩy trắng tăm trong thời gian dài, các hóa chất này ngấm sâu vào trong, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm vẫn rất nguy hiểm.
(Theo Giáo dục Việt Nam)

= Cốc nhiễm chì tác hại thế nào?

Chì nằm trong danh sách chất độc hại nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe con người. Chì có trong sơn, pin, vỏ dây cáp, các linh kiện điện tử. Rất dễ bị phơi nhiễm chì, nếu thường xuyên tiếp xúc.
Gần đây trên thị trường trong nước đang tràn lan hàng thủy tinh trong khá bắt mắt và giá rẻ, sản xuất từ Tung Quốc. Tuy nhiên, ít ai biết rằng mối nguy hại từ những chiếc cốc là vô cùng lớn bởi hàm lượng chì trong các loại cốc này là vô cùng lớn.
Vậy, chì tác hại thế nào đến sức khỏe của chúng ta?
Chì có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp, đường miệng. Khi bị phơi nhiễm chì có thể có các triệu chứng: Ăn không ngon miệng, sụt cân, buồn nôn, đau bụng, vận động khó khăn, bị chuột rút, nguy cơ tăng huyết áp, nhức đầu, cáu kỉnh, giảm trí nhớ, mất ngủ, lâu dài gây các bệnh về thận, tổn hại não,và thiếu máu.
Chì và hơi chì làm cho mắt, cổ họng và mũi đau rát khi tiếp xúc. Tiếp xúc với chì thường xuyên sẽ dẫn đến nhiễm độc chì. Chì ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản ở cả nam và nữ giới.
Chúng ta có thể bị nhiễm độc chì từ các vật dụng trong gia đình như các loại sơn chứa chì, nhất là những đồ dùng bằng thủy tinh màu, pha lê màu, đồ gốm, các loại pin, đồ chơi, các loại sơn gỗ, sơn tường.
Nhiễm độc chì có thể gây tác hại nghiêm trọng đối với trẻ em, bởi chúng rất nhạy cảm và sức đề kháng yếu. Gây tác động xấu lên não, hệ thần kinh, giảm khả năng tiếp thu và sự phát triển của trẻ em.
Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu đã cấm sử dụng sản phẩm sơn có chì.
Tránh nhiễm độc chì tích cực nhất bằng cách mua các vật dụng gia đình có nguồn gốc rõ ràng. Hãy thử so sánh, một chiếc cốc thủy tinh Trung Quốc giá chỉ từ 10 đến 30 ngàn đồng nhưng nguy hại cho bạn và gia đình. Trong khi đó, một chiếc cốc tương tự như vậy hàng của Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, giá bán thấp nhất cũng chỉ là 50.000 đồng/chiếc. Tham rẻ mà mua là rước họa vào gia đình bạn đấy.
Nguyễn Dược (Tổng hợp) - Nguồn: vietnamnet.vn/vn

About Unknown

Bạn thực sự mong muốn 1 điều gì đó tốt nhất cho sức khỏe của bạn, ban đang gặp phải những rắc rối về sức khỏe khi xã hội càng ngày càng phát triển và thay vào đó chất độc cũng càng ngày được con người sử dụng vào mục đích tiền bạc...bạn hãy yên tâm về sản phẩm mà dlc việt nam phân phối tại thị trường Việt Nam
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Leave a Reply